Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Thống đốc: ‘Chúng tôi không còn đơn độc’

Lời tâm tình của Thống đốc từ trước Tết Nguyên đán được Chủ tịch Quốc hội lưu tâm, nhắc lại tại kỳ họp này và cho rằng cả hệ thống chính trị đã đồng hành với Ngân hàng Nhà nước giải quyết khó khăn, bất cập của nền kinh tế.
“Chúng tôi rất cảm động khi Chủ tịch Quốc hội nói Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không đơn độc. Và chúng tôi cũng nhận thấy rằng chúng tôi không còn đơn độc nữa”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình trần tình với các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội chiều 30/5.
Trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, ông từng có dịp chia sẻ với báo chí về khó khăn, vất vả của ngành ngân hàng năm 2012, mà điều ông cảm thấy chạnh lòng nhất đó là cá nhân ông, cũng như hệ thống ngân hàng đôi khi cảm thấy cô đơn khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.
“Một chính sách đưa ra, may lắm là có một phần ba ủng hộ, số còn lại là nghi ngờ và phản bác. Đặc biệt, khi chính sách của nhà nước có hại cho nhóm lợi ích nào đó, sự phản đối vô cùng quyết liệt và căng thẳng. Thậm chí có những lời dọa dẫm. Nhiều lúc tôi thấy cô đơn, giống như người lính ra trận mà không có đồng đội yểm trợ. Có người nói các ủy viên trung ương phải là những ngôi sao tỏa sáng, còn tôi nói vui rằng tôi cảm thấy mình là ngôi sao cô đơn”, Thống đốc tâm sự.
Phần trình bày của người đứng đầu ngành ngân hàng tại phiên thảo luận chiều 30/5 vẫn khuôn mẫu, chỉn chu như thường lệ, có mở đầu, dẫn nhập để rồi mới đi vào vấn đề chính. Có ba nội dung lớn đại biểu và cử tri thắc mắc, thoạt đầu ông cũng định dành thời gian tóm lược câu chuyện về vàng. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – người điều hành phiên họp, đề nghị Thống đốc tập trung vào hai vấn đề còn lại, bởi vàng đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước báo cáo đầy đủ bằng văn bản, gửi tới đại biểu từ trước. Trong báo cáo này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng thu hẹp chênh lệch giá vàng có thể không mang lại mục tiêu mong muốn.
Thong-doc-Binh_1369903824[1132090319].jp
Thống đốc Nguyễn Văn Bình (áo xanh) trao đổi với các đại biểu trước phiên thảo luận chiều 30/5. Ảnh: Nguyễn Hưng
Tuy nhiên, cách nói hôm nay gây ấn tượng với người nghe bởi thái độ chừng mực, khiêm nhường hơn hẳn những lần ông xuất hiện trước nghị trường trước đây. Chưa phải là phiên chất vấn trực tiếp, tại buổi thảo luận, Quốc hội dành tối đa 10 phút cho từng thành viên Chính phủ có lời hồi đáp trước các vấn đề đại biểu quan tâm. Thống đốc đã dùng hết hơn 9 phút, để chuyển tải điều mà ngành ngân hàng cũng như cá nhân ông trên cương vị trưởng ngành muốn nói.
Nếu như những lần xuất hiện trước, ông quan tâm nhiều hơn tới chuyện phân tích đúng sai cho đại biểu hiểu, thì lần này, ông cảm ơn sự thông cảm và khích lệ của Quốc hội, mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn, thừa nhận mục tiêu chưa đạt và cũng khiêm tốn hơn khi ghi nhận kết quả ban đầu mà ngành ngân hàng đã làm. Lý do để Thống đốc cảm thấy cá nhân mình cũng như toàn hệ thống không còn đơn độc như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói với ông trước đó, chính là việc cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng ngành ngân hàng xử lý nợ xấu.
Ông cho biết, từ tháng tư năm ngoái đến nay, hệ thống ngân hàng đã rất tích cực tham gia xử lý nợ xấu, với nhiều giải pháp khác nhau. Bằng nỗ lực của riêng mình, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại 284.000 tỷ đồng nợ, tương đương gần 10% tổng dư nợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Các ngân hàng cũng tự trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập này, riêng trong năm 2012 đã xử lý gần 70.000 tỷ đồng và thêm 7.500 tỷ đồng nữa trong 4 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, các ngân hàng còn trích lập thêm 68.000 tỷ đồng, tạo nguồn tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian còn lại của năm.
“Như vậy với nỗ lực của mình, hệ thống ngân hàng đã tháo gỡ một phần rất lớn nợ xấu, kiềm chế tốc độ gia tăng nợ xấu khi điều kiện kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện nhiều”, Thống đốc nói.
Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị phê duyệt vào đầu tháng ba. Chính phủ cũng vừa phê duyệt nghị định thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vào đầu tháng này. Thống đốc Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai các bước tiếp theo để sớm đưa công ty này vào hoạt động. Dự kiến ngay năm nay, VAMC có thể giải quyết 40.000-70.000 tỷ đồng nợ xấu.
Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho, một cách khác giúp xử lý nợ xấu. Trong đó, điển hình là gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp, trung bình mua nhà ở xã hội. Hay gói tín dụng 12.000 tỷ đồng hỗ trợ việc trồng cà phê ở Tây Nguyên.
“Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu. Chúng tôi tin tưởng với tinh thần quyết tâm chung đó của hệ thống chính trị thì trong năm nay, chúng ta sẽ có bước chuyển biến tốt trong vấn đề xử lý nợ xấu”, Thống đốc nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề tiếp cận vốn vay, Thống đốc một lần nữa nhắc lại việc ngành ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất, đưa về mức tương đương trước 2007. Tuy nhiên, ông thừa nhận tín dụng chưa ra được nhiều mà một phần nguyên nhân là sức cầu của nền kinh tế còn rất yếu. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiến nghị Chính phủ một số giải pháp đột phá để giải quyết vấn đề này, nhằm sớm khai thông nguồn tín dụng. Bản thân ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tích cực xử lý nợ xấu, đồng thời căn cứ vào diễn biến vĩ mô để tận dụng cơ hội giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
“Thời gian vừa qua, anh em ngân hàng đã hết sức phấn đấu. Kết quả đạt được mới là ban đầu, khó khăn thách thức còn rất nhiều ở phía trước. Rất mong cử tri cả nước, đại biểu quốc hội tiếp tục động viên để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”, ông nói.
Song Linh - Thanh Thanh Lan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét